Tháng 1/2025 được ghi nhận là tháng có nhiệt độ cao thứ ba trong lịch sử với nhiệt độ không khí bề mặt là 13,23 độ C, tức cao hơn 1,75 độ C so với mức trung bình giai đoạn tiền công nghiệp, theo Trung tâm Theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Dữ liệu này khiến nhiều nhà khoa học ngạc nhiên vì họ dự đoán sự xuất hiện của hiện tượng La Niña vào tháng 12/2024 trên Thái Bình Dương sẽ làm chậm lại quá trình nóng lên toàn cầu, theo Financial Times.
Trung tâm Copernicus phát hiện châu Âu đã trải qua tháng 1 nóng thứ hai trong lịch sử dù Iceland, Anh, Ireland, miền bắc nước Pháp và khu vực Scandinavia có nhiệt độ dưới mức trung bình.

Trái Đất trải qua tháng 1 với nhiệt độ cao lịch sử khiến các nhà khoa học quan ngại vì nhiệt độ tiếp tục tăng bất chấp sự xuất hiện của hiện tượng La Niña chỉ một tháng trước đó. Ảnh: Unsplash.
Nhiệt độ mặt nước biển trung bình trên toàn cầu trong tháng 1/2025 là 20,78 độ C, mức cao thứ hai từng được ghi nhận, chỉ sau tháng 1/2024.
Sự xuất hiện một cách tự nhiên của hiện tượng La Niña thường khiến nhiệt độ toàn cầu đi xuống, trong khi hiện tượng El Niño thường làm Trái Đất nóng lên.
Sự gia tăng nhiệt độ của tháng 1 bất chấp sự xuất hiện của La Niña chỉ một tháng trước đó làm dấy lên mối lo ngại về tốc độ nóng lên toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ, quốc gia có khối lượng khí thải cao nhất lịch sử, rút khỏi những cam kết chống biến đổi khí hậu.
Bill McGuire, giáo sư danh dự về các mối nguy địa vật lý và khí hậu tại Đại học London, nhận định rằng dữ kiện về nhiệt độ tháng 1/2025 "vừa bất ngờ vừa đáng sợ".
"Với tình trạng ngập lụt ở Valencia và đợt cháy rừng như tận thế ở Los Angeles, tôi nghĩ sự sụp đổ của khí hậu đã quá rõ ràng. Vậy mà khối lượng khí thải vẫn tiếp tục tăng", giáo sư McGuire nói thêm.
Sách hay về môi trường
How to Save Our Planet - Mark Maslin: Tác phẩm được ví như cuốn cẩm nang về các vấn đề còn tồn tại và các giải pháp khả thi để cứu Trái Đất; trang bị cho người đọc những kiến thức khoa học mới nhất về biến đổi khí hậu, tính bền vững và các vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
We are the Weather: Saving the Planet Starts at Breakfast - Jonathan Safran Foer. Tác giả tin rằng mối liên hệ giữa ngành nông nghiệp chăn nuôi và cuộc khủng hoảng khí hậu hiện ra không thực sự rõ ràng. Tuy nhiên, các hành động mang tính tập thể như giảm tiêu thụ thịt có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng khí thải carbon.